Trung Quốc: Chưa giàu đã xài sang?
TTCT - Trong hai ngày mua sắm ở Hong Kong, gia đình ông
Bào, một thương gia ở Thượng Hải, chi hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng
154.000 USD). Khi bị báo chí phát hiện, ông nói thẳng: “1 triệu nhân dân
tệ có là gì, thích gì mua nấy thôi!”.
|
Những khu mua sắm cao cấp ở London (Anh) đang trở thành điểm đến ưa thích của người giàu Trung Quốc - Ảnh: wordpress.com |
Theo báo cáo của Công ty Global Refund, năm 2010 du
khách Trung Quốc tiếp tục trở thành du khách mua sắm hàng miễn thuế
nhiều nhất ở Pháp, với giá trị lên đến 650 triệu euro, tăng 60% so với
cùng kỳ năm 2009, gấp ba lần so với du khách Nga đứng thứ hai chỉ với
220 triệu euro. Trong đó đáng kể nhất là mức chi tiêu bình quân trong
một cửa tiệm/ngày của du khách đã lên đến 1.300 euro (xếp thứ tư), trong
khi năm 2005 chỉ có 650 euro.
Vua mua sắm
Theo trang rednet.cn, Nhật mất 20 năm để làm dịu cơn sốt hàng xa xỉ, trong khi Trung Quốc được dự đoán sẽ mất 15-20 năm để chuyển sang tiêu thụ hàng xa xỉ một cách lý tính. |
Còn
theo Bắc Kinh Thương Báo, báo cáo về thị trường hàng xa xỉ toàn cầu năm
2010 của Công ty cố vấn đầu tư Bain và Hiệp hội Sản xuất hàng xa xỉ Ý
cho thấy thị trường này đã phục hồi, tăng 12% so với năm 2009. Trong đó
riêng ở châu Á, Trung Quốc qua mặt Nhật trở thành nước tiêu thụ hàng xa
xỉ nhiều thứ hai trên thế giới, đạt mức tăng trưởng 30%.
Người Trung Quốc rất giàu, đó là nhận định của nhiều
nước phương Tây. Thậm chí tờ Daily Mail (Anh) từng đưa tin du khách
Trung Quốc bình quân mỗi tháng mua sắm 1 tỉ bảng ở Anh. Đây là con số
không tưởng, nhưng nhìn chung người nước ngoài đều rất ấn tượng về khả
năng vung tiền của du khách Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng nhà giàu năm
2010 của tạp chí Hồ Nhuận (được ví như một Forbes của Trung Quốc), số
triệu phú nước này đã lên đến 960.000 người. Điều đó cho thấy một bộ
phận không nhỏ người dân Trung Quốc đang giàu lên.
Giàu thật sự?
Dù GDP của Trung Quốc tăng trưởng cao trong nhiều năm
liền nhưng nhiều chỉ số kinh tế của nước này vẫn còn thấp, như GDP bình
quân đầu người đứng khoảng thứ 100 trên bảng xếp hạng của thế giới, chưa
kể bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục đều không bằng các nước phương Tây.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ tăng trưởng tiêu thụ
hàng xa xỉ của nước này. Thời gian gần đây, xuất siêu của Trung Quốc
đang giảm, quý 1 năm nay đã xuất hiện nhập siêu. Điều này có liên quan
đến tình trạng tiêu thụ hàng xa xỉ.
Cùng được xem là nhân tố mới của thị trường hàng xa xỉ
còn có Nga, Brazil và Ấn Độ - các nước thuộc nhóm BRIC. Điểm tương đồng
của các nước này không chỉ là tăng trưởng kinh tế cao, mà thường xếp
hạng khá thấp trong bảng xếp hạng thanh liêm toàn cầu của Tổ chức Minh
bạch quốc tế: Brazil 3,7 điểm, Trung Quốc 3,5 điểm, Ấn Độ 3,3 điểm, Nga
2,1 điểm (trong khi các nước phương Tây đều trên 7 điểm). Còn về hệ số
Gini biểu thị sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, các nước này
đều từ 0,4 trở lên: Trung Quốc 0,47, Nga 0,42, Brazil 0,54 và Ấn Độ 0,4.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho rằng thói quen xa xỉ là điểm
yếu của con người, là hậu quả của quan niệm tiêu thụ lệch lạc... Theo
trang rednet.cn, Nhật mất 20 năm để làm dịu cơn sốt hàng xa xỉ, trong
khi Trung Quốc được dự đoán sẽ mất 15-20 năm để chuyển sang tiêu thụ
hàng xa xỉ một cách lý tính. Ông Trương Hùng, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến
đầu tư quản lý tài chính, cho rằng người dân Trung Quốc cần nâng cao ý
thức quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng của đồng vốn, không
nên vung tiền cho các mặt hàng xa xỉ.
CẢNH CHÁNH (Theo QQ.com, NDNB)