Kinh nghiệm giám sát công trình thủy điện lớn
Đối với các dự án thuỷ điện lớn, giám sát công trình có ý nghĩa sống còn, nhằm đảm bảo quá trình xây dựng được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, cũng như độ tin cậy cao trong vận hành khai thác. Công việc này đòi hỏi một tổ chức với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và quản lý đủ năng lực giúp giám sát toàn bộ quá trình xây dựng, thi công lắp đặt thiết bị, phối hợp với các nhà sản xuất và nhà thầu, thực hiện kiểm tra, đo thử nghiệm, kiểm soát chất lượng và đảm bảo tiến độ công trình.
Kinh nghiệm của Tập đoàn RSW Canada trong hơn 30 năm tham gia thiết kế, xây dựng, quản lý, giám sát thi công, thực hiện nhiều dự án thủy điện trên thế giới có công suất đến 6.300 MW và tổng công suất lên đến hơn 25.000 MW cho thấy: Đối với những công trình chiến lược, mức độ phức tạp công nghệ cao, quy mô lớn, thời gian dài mà Việt Nam đang và sẽ triển khai thì việc lựa chọn đối tác thực hiện giám sát từ những tập đoàn có năng lực hàng đầu thế giới, cũng như phương thức tổ chức giám sát là những yếu tố thiết yếu và quý báu để đạt được các mục tiêu đề ra.
Để tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong suốt quá trình xây dựng, lắp đặt, khai thác công trình, đảm bảo khách quan của quá trình thực hiện giám sát, thì đối tác đã cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ như: Tư vấn, chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, thẩm định thiết kế kỹ thuật sẽ không tham gia vào quá trình giám sát xây dựng công trình.
Trong tổ chức giám sát các dự án thuỷ điện quy mô lớn trên thế giới mà Tập đoàn RSW Canada đã tham gia, phương thức sử dụng Ban kiểm soát kỹ thuật độc lập (independent Technical Review Board - TRB) luôn được các chủ đầu tư đánh giá cao. Ban TRB gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp, có chức năng đánh giá định kỳ mọi khía cạnh của thiết kế và xây dựng, giúp chủ đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, hợp đồng, khắc phục chậm trễ tiến độ, hoặc các vấn đề có thể dẫn đến bội chi ngân sách. TRB cung cấp các thông tin cập nhật, khách quan và độc lập về tình hình và tiến độ xây dựng, giúp chủ đầu tư chỉ ra các giải pháp để sớm giải quyết các vấn đề phát sinh về thiết kế và xây dựng, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Một cách tiếp cận khác cũng có ích cho những dự án lớn là, thành lập một Ban kiểm soát kỹ thuật nội bộ (TRB), bao gồm các kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm được lựa chọn từ đội ngũ kỹ sư của chủ đầu tư. Ban kiểm soát kỹ thuật sẽ định kỳ xem xét tiến trình và các vấn đề phát sinh, làm việc với các nhà thầu, tư vấn và đối tác nước ngoài, giúp chủ đầu tư có biện pháp giải quyết kịp thời những vướng mắc hay phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phân bổ nguồn lực thích hợp là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí. Trong giai đoạn đầu xây dựng, khi hầu hết các hạng mục mới chỉ liên quan tới các công trình dân dụng, Ban kiểm soát kỹ thuật có thể chỉ bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực kết cấu đập và dân dụng (bê tông và địa kỹ) và thuỷ lực học. Trong các giai đoạn sau, thành viên của Ban kiểm soát kỹ thuật cần bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và lắp đặt tuabin phát điện, các chuyên gia thiết bị cơ khí hạng nặng và thiết bị điện ngoại vi, bao gồm các thiết bị đo đạc, và các chuyên gia vận hành thử. Công tác đánh giá thực địa của Ban kiểm soát kỹ thuật phù hợp với lịch trình và điều chỉnh theo tiến độ xây dựng. Ban kiểm soát làm việc với các thành viên cao cấp của chủ đầu tư và trình bày các báo cáo cũng như những khuyến cáo của Ban. Khi phát sinh những vấn đề khẩn cấp, chủ đầu tư và Ban kiểm soát thực hiện cơ chế làm việc giữa các đợt đánh giá định kỳ.
Đảm bảo tính khách quan của Tổ chức giám sát xây dụng, thiết lập và vận hành hiệu quả Ban kiểm soát kỹ thuật TRB độc lập và Ban kiểm soát kỹ thuật nội bộ, phân bổ hợp lý nguồn nhân lực kỹ thuật cao cấp là một số những biện pháp hữu hiệu giúp các dự án thuỷ điện lớn của Việt Nam đạt được các mục tiêu, đáp ứng tiến độ xây dựng và tuân thủ dự toán.