Biển Đông vì sao 'dậy sóng'?Khi vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hôm 26/5
còn chưa lắng dịu, Trung Quốc lại tiếp tục khiến Biển Đông thêm căng
thẳng bằng vụ khiêu khích cắt cáp tàu Viking II hôm 9/6, khiến giới chức
Mỹ và ASEAN cùng phải lên tiếng.
Sự kiện hôm 9/6 tiếp nối chuỗi các hành vi khiêu khích
của các loại tàu Trung Quốc đối với cả Việt Nam và Philippines trên
Biển Đông, đẩy tình hình khu vực đột ngột gia tăng căng thẳng trong nửa
tháng qua. Sau mỗi vụ gây hấn, Trung Quốc lại vu cáo hai nước ASEAN đã
hoạt động trong vùng biển chủ quyền của họ, nhằm đánh lừa dư luận hiểu
nhầm về một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp trên
biển.
Giới phân tích nhận định tất cả các hành động xâm phạm
chủ quyền rõ ràng của phía Trung Quốc đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm
dọn đường cho Bắc Kinh nhảy vào khai thác dầu khí tại Biển Đông, khu vực
rộng hơn 2 triệu km vuông được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào,
trong đó dầu mỏ ước tính có đến 17,7 tỷ tấn, đứng thứ tư về trữ lượng
trên thế giới.
ASEAN muốn hoà bìnhNgay sau vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II của Việt
Nam, nước đang giữ quyền chủ tịch ASEAN là Indonesia lên tiếng kêu gọi
các bên tại Biển Đông "hạ nhiệt", hành xử bình tĩnh và nhanh chóng đưa
ra bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc để làm cơ sở giải quyết các bất
đồng. "Tình trạng gia tăng các sự cố trên ở Biển Đông cho thấy tầm quan
trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc
thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC)", phát ngôn
viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh
phát biểu tại các hội nghị của ASEAN ở Surabaya, Indonesia, từ ngày 7
đến 10/6, trong đó cũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ các nỗ lực tăng cường
xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn
hàng hải ở Biển Đông.
|
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (phải) cùng tàu hộ tống thăm cảng Manila, Philippines tháng trước. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, tướng tư lệnh các lực lượng vũ trang
Philippines Eduardo Oban hôm 9/6 cho biết quân đội nước này đang phòng
thủ tích cực sau 6 vụ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc thời gian gần
đây. Ông cho biết Manila cố gắng duy trì hòa bình và tránh nổ súng,
nhưng nếu tàu Trung Quốc bắn vào dân Philippines họ sẽ bắn lại.
Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile thì
tỏ ra bức xúc hơn khi cho rằng Trung Quốc đang đối xử với Philippines
như với "chiếc thảm chùi chân" và cho rằng đây là thái độ của "một nước
lớn chống lại nước yếu hơn". Ông Enrile cũng bình luận cách tự vệ tốt
nhất để chống lại "hành động bắt nạt" này là Philippines phải phát triển
sức mạnh quân sự và kinh tế.
Trong một bước đi khác, chính phủ Philippines thống
nhất không sử dụng từ South China Sea cho vùng biển tranh chấp mà dùng
từ West Philipines Sea. Giống như Việt Nam từ xưa vẫn gọi là Biển Đông
chứ không phải South China Sea. Văn phòng tổng thống Philippines đang
bắt đầu sử dụng tên mới này trong các tài liệu chính thức.
Giữa lúc Biển Đông đang diễn biến căng thẳng, Manila
thông báo sẽ tập trận hải quân chung với Mỹ vào ngày 28/6 trên vùng biển
phía tây Philippines. Tuy nhiên nước này khẳng định đây là hoạt động
theo lịch trình từ năm ngoái trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hiệp
ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, không liên quan đến tình
hình trên Biển Đông.
Hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc), một trong các bên đòi
chủ quyền ở Trường Sa, cũng nhảy vào cuộc. Người đứng đầu cơ quan quân
sự của hòn đảo này nói đang cân nhắc việc bổ sung khí tài cho đội quân
đóng trên các đảo tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc lộ rõ khao khát dầu mỏBằng các vụ thâm nhập sâu vào vùng chủ quyền biển của
Việt Nam để phá hoại các tàu thăm dò đang hoạt động tại đây, Trung Quốc
đã lộ rõ tham vọng dầu mỏ ở Biển Đông. Ý đồ này được bộc lộ khi đại sứ
Trung Quốc tại Philippines là Lưu Kiến Siêu tổ chức họp báo hôm 10/6,
trong đó ngang ngược đòi các nước láng giềng ngừng thăm dò dầu khí ở khu
vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Đại diện của Bắc Kinh cho rằng các nước muốn tiếp tục
thăm dò phải hợp tác với Trung Quốc. "Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các
bên chấm dứt tìm kiếm khai thác tài nguyên trong khu vực mà Trung Quốc
đòi chủ quyền. Đồng thời nếu các nước muốn thăm dò thì có thể bàn với
Trung Quốc về khả năng hợp tác cùng phát triển và khai thác tài nguyên
thiên nhiên", tờ
Inquirer của Philippines dẫn lời ông Lưu trong
cuộc họp báo.
|
Giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc chuẩn bị đưa vào Biển Đông. Ảnh: Shanghai Daily. |
Đại sứ Trung Quốc cũng nói rằng nước này chưa khai
thác dầu trong khu vực Biển Đông. Nhưng tuyên bố được đưa ra khi Bắc
Kinh đã hoàn tất một giàn khoan dầu nổi khổng lồ và sẵn sàng đưa ra Biển
Đông vào tháng tới. Báo chí Trung Quốc hôm 27/5 đồng loạt đưa tin và
ảnh về việc nước này sẽ đưa vào Biển Đông giàn khoan có tên Dầu khí Hải
dương 981, kiểu nửa chìm nửa nổi hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét và
độ sâu giếng khoan tối đa đạt tới 12.000 mét.
Giàn khoan nói trên của Trung Quốc dài hơn 650 mét,
gồm năm tầng cao 136 mét (tương đương tòa nhà 45 tầng). Diện tích boong
tương đương sân vận động đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống
phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi. Giới truyền thông Trung
Quốc ví von đây là "tàu sân bay" dầu khí và khu vực hoạt động khai thác
của nó được xác định là Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn thể hiện rằng họ đồng ý
khai thác dầu chung với các nước có tranh chấp. Nhưng quan điểm này được
giới quan sát bình luận là cách để Trung Quốc lợi dụng khai thác ở nơi
thuộc chủ quyền của nước khác. Để thực hiện kế hoạch này, Bắc Kinh thực
thi chính sách nói không đi đôi với làm.
Một mặt Trung Quốc liên tục cam kết duy trì hoà bình ở
Biển Đông, nhưng mặt khác lại tìm mọi cách gây hấn với các nước láng
giềng bằng những vụ xâm phạm chủ quyền, điển hình là hai vụ Trung Quốc
cho tàu thâm nhập sâu vào vùng chủ quyền biển 200 hải lý của Việt Nam để
tấn công phá hoại hai tàu thăm dò dầu khí là Bình Minh 02 ngày 26/5 và
Viking II ngày 9/6.
Nhận định về ý đồ khai thác dầu mỏ tại Biển Đông của
Bắc Kinh, giới phân tích cho rằng động thái này nhằm giải cơn khát dầu
của Trung Quốc do nhu cầu quá lớn trong nước, trong khi tại các vựa dầu
của thế giới như Bắc Phi và Trung Đông liên tục bất ổn đe dọa đến nguồn
cung dầu mỏ. Điều này buộc quốc gia đông dân nhất thế giới phải đẩy
nhanh chiến lược phát triển dầu mỏ để tìm kiếm các nguồn cung ứng khác
và Biển Đông là một lựa chọn.
|
Tàu hải giám, một trong những phương tiện của Trung Quốc thực hiện các vụ gây rối ở Biển Đông. Ảnh: PVN. |
Mỹ lên tiếng về tình hình Biển ĐôngMột ngày sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II
của Việt Nam hôm 9/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho
biết họ lo ngại vì những căng thẳng trên Biển Đông và kêu gọi một giải
pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại đây. “Chúng tôi ủng hộ một tiến
trình ngoại giao chung và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả
trên đất liền và trên biển, phải tuân theo luật pháp quốc tế", ông Toner
nói thêm.
Washington cũng nhấn mạnh việc họ chia sẻ lợi ích
trong việc duy trì an ninh hàng hải trong Biển Đông, ủng hộ tự do đi
lại, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Mỹ cũng nêu rõ
việc họ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy cách tiếp cận
đa phương và hòa bình trong việc giải quyết những bất đồng ở Biển Đông
để đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại và thực thi luật pháp quốc
tế.
Diễn biến căng thẳng trên Biển Đông đã thu hút sự chú ý
của Washington từ trước đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates
cảnh báo xung đột có thể xảy ra tại Biển Đông nếu các nước cùng tuyên bố
chủ quyền không lập ra được một cơ chế để dàn xếp bất đồng một cách hoà
bình. Mối quan tâm của Mỹ tới Biển Đông được cho là sự hiện thực hóa
của việc Washington đang chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á vì
tầm quan trọng ngày càng lớn về quân sự, ngoại giao lẫn thương mại của
khu vực này.
Không chỉ bày tỏ mối lo ngại, một nghị sĩ Mỹ là Jim
Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Thượng viện Mỹ,
hôm 13/6 đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ một nghị quyết lên án Trung Quốc
dùng vũ lực tại Biển Đông và kêu gọi một giải pháp đa phương và hòa
bình cho các tranh chấp trên biển tại khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, Mỹ cho triển khai
tàu khu trục USS Chung-Hoon tới Tây Thái Bình Dương. Theo đó 280 thủy
thủ trên con tàu có trọng tải 9.200 tấn trang bị nhiều tên lửa chống
phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả tên lửa Tomahawk này sẽ hoạt động
hợp tác với các nước đồng minh trong khu vực. Phía Mỹ cũng nói
nhiệm vụ của tàu này còn là để "răn đe", thúc đẩy "hòa bình,
an ninh" cũng như đảm bảo sẵn sàng cứu trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, báo chí quốc tế cũng đặc biệt quan tâm
đến tình hình Biển Đông và ghi nhận việc căng thẳng leo thang tại khu
vực này sau các vụ tàu Trung Quốc phá hoại cáp của tàu Việt Nam. Như tờ
New York Times cho rằng tình hình hiện nay chứng tỏ cơ chế Tuyên bố về
ứng xử của các bên ở Biển Đông không có hiệu quả và nhận định nguyên
nhân căng thẳng là do Trung Quốc hiện có đủ lực để cố tình gây ra các vụ
va chạm với các bên cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Đình NguyễnVNE