Thị trường BĐS tê liệt: Bong
bóng chỉ xì chứ không nổTrước tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bất động sản
(BĐS) đang chờ chết vì sản phẩm không bán được trong khi tín dụng bị
siết, dư luận tỏ ra lo ngại bong bóng BĐS sẽ nổ.
Tuy nhiên, nhìn ở bình diện chung của thị trường, các
chuyên gia kinh tế đều cho rằng nổ bong bóng BĐS là điều không có ở Việt
Nam.
Giảm giá để thị trường đi vào ổn định“Bong bóng BĐS chỉ nổ với ba điều kiện sau: Thu nhập
bình quân đầu người cao (trên 5.000 USD/người/năm); tốc độ tăng trưởng
GDP cao và liên tục trong nhiều năm; phụ thuộc vào chính sách tiền
tệ/nền tảng tài sản (bản thân tài sản tạo ra tăng trưởng).
Tuy nhiên, xét ba điều kiện đó, Việt Nam còn lâu mới
đạt được và do vậy thị trường BĐS chưa nổ ngay được và đây vẫn là kênh
được lựa chọn để đầu tư, ít ra trong khoảng một chục năm nữa…” - TS Lê
Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Cũng bàn về vấn đề này, TS Phạm Đỗ Chí - chuyên gia
kinh tế cho rằng: “Vốn đổ vào BĐS không phải mượn 100% từ ngân hàng nên
không có chuyện bong bóng vỡ”.
Nhưng theo ông Chí, thị trường này đi vào ổn định thì
sản phẩm BĐS phải giảm giá xuống 30%, năm tới giảm tiếp xuống khoảng
10%-20% nữa. Có như vậy thị trường BĐS mới ổn định.
“Ở TP.HCM thì cái gọi là bong bóng ấy đã bắt đầu xì từ
đầu năm 2008 đến nay rồi. Bởi bong bóng BĐS là sự bùng phát về giá cả
cũng như nhà đầu tư… Đằng này ba năm nay BĐS có ngày nào sôi động đâu” -
ông Lương Sĩ Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Nhà đất Phú Gia, nhận định.
Để cứu thị trường BĐS, theo TS Trần Du Lịch, thành
viên tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, giả sử có bong bóng
thì cứ để cho nó nổ có khi còn dễ chịu hơn, chứ “ung nhọt” để lâu thì nó
càng nặng. Tốt nhất phải tách ra để cho bong bóng BĐS xì dần từ từ.
Cần có hỗ trợ dự án nhà giá trung bìnhVới tình hình kênh BĐS đóng băng như hiện tại, các dự
án, các doanh nghiệp trong nước rất dễ bị doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước
ngoài thôn tính, mua rẻ tài sản.
“Để tránh hiện tượng này, Chính phủ nên có cơ chế nới
lỏng tín dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có dự án minh
bạch, dự án phục vụ nhà ở cho số đông người tiêu dùng. Tôi thấy trong
Nghị quyết 11 ở phần thứ ba nêu bên cạnh mục tiêu chống lạm phát thì có
vấn đề an sinh xã hội. Do đó nới tín dụng cho các dự án nhà giá trung
bình cũng là một phần an sinh xã hội mà Chính phủ cần quan tâm” - ông
Trần Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Song Phát, kiến nghị.
Một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ
Xây dựng cũng nhận định không phải phân khúc nào cũng trầm lắng. Nhu cầu
về nhà ở trung bình, nhà ở giá thấp vẫn nhiều. Nhà giá thấp vẫn đắt
hàng, có dự án chỉ có 500 căn hộ nhưng có hàng ngàn đơn xin mua, cung
không đủ cầu. Vì vậy, không thể nói phân khúc thị trường này là trầm
lắng. Căn hộ dưới 70 m2 thị trường đang cần nhiều.
“Các nhà đầu tư phải nhắm vào cái mà thị trường đang
cần. Các nhà đầu tư cứ nhắm vào căn hộ cao cấp thì có mấy người có đủ
tiền mua” - vị này nói.
Mặt khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Chấp
hành Hiệp hội BĐS Đồng Nai, cho rằng việc Chính phủ đưa ngành BĐS vào
lĩnh vực phi sản xuất và chịu siết tín dụng như hiện nay là chưa thỏa
đáng.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS không chỉ là ngành
tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà
còn góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác
phát triển.
Để xây dựng 1 m2 nhà ở cần 17-25 công lao động, chưa
kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Mỗi một khối nhà chung
cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho
công tác quản lý vận hành.
“Thực tế lĩnh vực BĐS là trục xương sống chính của nền
kinh tế của đất nước. Vì thế hiện nay siết tín dụng phi sản xuất chung
cả ngành này là chưa thỏa đáng và không khéo nó có tác dụng ngược” - bà
Hương nhận định.
(Theo
PLTPHCM)