'Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền'
"Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng khi đứng trước
nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó",
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời VnExpress ngay sau khi
trở về từ Hội nghị An ninh châu Á.
- Trong phát biểu chính thức tại Hội nghị
An ninh châu Á vừa qua, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đề cập đến vụ
Bình Minh 02 như là một ví dụ cho thấy những phức tạp mới nảy sinh trên
biển Đông. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?- Hội nghị An ninh Châu Á lần này có sự tham dự của
một Tổng thống, 2 Thủ tướng, 28 Bộ trưởng Quốc phòng và gần 2.000 quan
chức quốc phòng, học giả… Tại diễn đàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã
có bài phát biểu ở phiên thứ 5 về “Đối phó thách thức an ninh mới trên
biển”. Dư luận đánh giá đây là bài phát biểu tốt, ở tầm cao chiến lược
và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, ổn định của khu vực.
Vụ tàu Bình Minh 02 đã được đưa vào phát biểu chính
thức tại Hội nghị. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng trả lời
câu hỏi của nhiều đại biểu, khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong
sự việc này. Việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào
sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp
nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Đồng thời, Bộ trưởng Phùng
Quang Thanh nhắc lại chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì
giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công
khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.
|
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: N.H. |
- Đáp lại phản ứng của người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam, phía Trung Quốc cho rằng, đây là hoạt động chấp
pháp bình thường và quân đội Trung Quốc không hề tham gia. Ông bình luận
gì về phản ứng này?- Tôi muốn khẳng định, vụ tàu hải giám Trung Quốc vào
sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền
của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo
lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung
Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý
để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao
động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại
giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á.
Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế
phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho
ai xé rào khỏi luật pháp.
- Thưa ông, những đối thoại và phát biểu
chính thức tại Shangri La của các nước không thấy đề cập đến vụ việc tàu
Bình Minh 02. Tại sao các nước ASEAN chưa nhìn nhận đây là vấn đề khu
vực, chứ không chỉ là vấn đề Trung Quốc - Việt Nam? - Đối với Việt Nam, hành động gây hấn vừa rồi của
Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền. Nhưng đối với quốc tế thì cần phải
hiểu hành động này là phép thử để Trung Quốc biến cái gọi “đường 9 khúc”
thành hiện thực. Và nếu các nước làm ngơ thì lợi ích của họ cũng sẽ bị
xâm phạm. Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có
thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy
ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.
Theo nhìn nhận của tôi, có lẽ đến thời điểm diễn ra
Hội nghị, sự việc còn quá mới, các đại biểu chưa nắm đầy đủ thông tin,
chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi tin rằng, sau những
thông điệp của phía Việt Nam, các nước nhất là trong khối ASEAN sẽ nhìn
nhận vấn đề này đúng bản chất hơn: Xuất hiện một nguy cơ là Trung Quốc
đang đặt ra khuôn phép mới, cách hành xử mới với các nước trong khu vực
để hiện thực hoá cái gọi là “yêu sách về đường 9 khúc”. Hôm nay là Việt
Nam thì ngày mai sẽ là nước khác. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực
phải xem xét lại đúng hay sai với tư cách là đối tượng trong tương lai.
- Trong bối cảnh các nước còn đang phân
tán trong đánh giá, với tư cách là tướng quân đội, Việt Nam sẽ làm gì để
sự việc Bình Minh 02 không tái diễn, thưa ông?- Chúng ta sẽ áp dụng mọi biện pháp để duy trì sự ổn
định và giữ chủ quyền, trong đó biện pháp nhất quán, cơ bản, lâu dài là
giải quyết trong hoà bình. Chiến tranh là điều không ai muốn, tuy nhiên
khi sự việc leo thang thì chúng ta cũng sẽ hành động chứ không thể ngồi
im.
Hôm qua, tàu Bình Minh 02 tiếp tục ra khơi làm nhiệm
vụ và việc chúng ta tăng cường đến 8 tàu bảo vệ cũng là một hành động cụ
thể để ngăn chặn những hành vi xâm phạm khu đặc quyền kinh tế. Quân đội
không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên sẽ quân đội sẽ theo dõi sát sao để
tránh xảy ra xung đột. Nếu đến mức xảy ra xung đột vũ trang thì nhất
quyết quân đội tham gia để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chúng ta không nói suông, không thụ động ngồi im,
nhưng cũng không bảo vệ chủ quyền một cách thiếu khôn ngoan mà phải dựa
vào sức mạnh thời đại, đó là niềm tin, sự ủng hộ vào chân lý và khát
vọng hoà bình của tất cả các nước, tất cả các dân tộc trong thế giới
ngày nay. Ngay cả nhân dân Trung Quốc cũng vậy, họ rất yêu chuộng hoà
bình và cũng mong muốn một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước mình. Chúng ta
sẽ sử dụng đúng luật pháp quốc tế và bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh
thổ, tài sản quốc gia. Với những cố gắng của chúng ta trong tuyên
truyền, đấu tranh ngoại giao, đối thoại với Trung Quốc và tăng sức mạnh
bảo vệ thì tôi tin sẽ không tái diễn sự kiện 26/5 lần nữa.
- Theo báo chí Trung Quốc, Hà Nội tự tin
hơn sau phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái là Mỹ có
lợi ích lâu dài tại biển Đông. Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại
hội nghị Shangri La cũng tiếp tục khẳng định Mỹ không buông biển Đông.
Theo ông, trong bối cảnh này, Việt Nam có lợi ích gì trong chiến lược
này của Mỹ? - Tôi có thể tự tin nói rằng, Việt Nam đủ khả năng để
bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Chủ quyền
là thiêng liêng không được phép đánh đổi. Chúng ta không để các nước
lớn thỏa hiệp trên lưng mình.
- Ở bên cạnh một nước lớn như Trung
Quốc“thường có hành động trái với tuyên bố” điều e ngại nhất của ông là
gì?- Tại Đối thoại Shangri La 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu rất hay, có tính
xây dựng cao và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã
đánh giá cao về nội dung bài phát biểu này. Tuy nhiên ngay trong Hội
nghị, một số đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về khoảng cách giữa lời nói
và việc làm trên thực tế của Trung Quốc, đặc biệt là đặt nó bên cạnh
một số vụ việc vừa qua. Chúng ta hy vọng, chờ đợi và ủng hộ những hành
động sắp tới đây của Trung Quốc sẽ phù hợp với những tuyên bố tốt đẹp
của Bộ trưởng Lương Quang Liệt.
Còn về sức mạnh của Trung Quốc - rõ ràng họ là một
nước lớn, vừa qua đã đạt được những bước phát triển to lớn, toàn diện,
trong đó có lĩnh vực quân sự. Chúng ta tôn trọng và ủng hộ sự phát triển
ấy nếu nó đem lại sự phát triển hoà bình ổn định trong khu vực, củng cố
tình hữu nghị đoàn kết giữa các nước. Còn trong trường hợp một thế lực
nào sử dụng sức mạnh vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, xâm
phạm chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta không thể khoanh tay, im lặng.
Chúng ta kiên trì bằng biện pháp hòa bình, công khai minh bạch để dư
luận nhân dân thế giới, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được
Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Nhưng khi đứng trước nguy cơ mất
chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó. Đó là điều
bất biến.
Năm 1945, khi các nước lớn ngồi phân chia lại thế giới
sau Thế chiến thứ hai, hồi đó Mỹ cho rằng, đối thủ đáng gờm trong tương
lai của Mỹ sẽ là Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng có nhà tiên tri nào biết
được rằng, hơn 30 năm sau, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh với một
nước nhỏ, lạc hậu và khi đó còn chưa có tên trên bản đồ thế giới? Việt
Nam thắng Mỹ, một lý do vô cùng quan trọng là nhờ nhân dân Mỹ đã đứng
lên phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa đó.
Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa, là tinh thần yêu
chuộng hoà bình của nhân dân thế giới, và lòng yêu nước, quyết tâm bảo
vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Phạm Hiếu - Nguyễn HưngVNEXPRESS